[GIỚI THIỆU PHIM] Report to Mother (John Abraham, 1986)

Tên gốc của phim: അമ്മ അറിയാന് | Amma Ariyan

Quốc gia: Ấn Độ

Diễn viên: Joy Matthew, Harinarayan, Kunhulakshmi Amma

Nhắc đến John Abraham, người ta không thể không nghĩ đến một đạo diễn kiệt xuất đến từ điện ảnh tiếng Malayalam của Ấn Độ; một nhà làm phim mà chỉ làm vỏn vẹn bốn tác phẩm trong suốt 15 năm sự nghiệp, nhưng hầu hết chúng được coi như những tác phẩm chuẩn mực mà giới chuyên môn và học thuật Ấn Độ phân tích mổ xẻ không biết bao nhiêu giấy mực. Và quan trọng hơn cả là vai trò tiên phong của ông trong việc sáng lập nhóm Odessa, một nhóm các nhà làm phim độc lập kiến tạo nên những tác phẩm thuộc làn sóng “điện ảnh của nhân dân”. Sự ra đời của “Report to Mother”, tác phẩm cuối cùng của Abraham trước khi ông qua đời vào năm 1987, cũng là kết quả của sự giao thoa phức tạp giữa điện ảnh, một phương tiện nghệ thuật mà hình thức phân phối và sản xuất ra nó vốn bị chi phối bởi các hình thái quyền lực và lợi nhuận tư bản, với tính tập thể, cộng đồng của phong trào “điện ảnh của nhân dân”. Sự giao thoa được thể hiện đầu tiên là ở danh tính của phim gắn liền với bang Kerala, một bang mà có sự hiện diện mạnh mẽ và đông đảo nhất Ấn Độ các lực lượng cánh tả cũng như liên minh các Đảng Cộng Sản. Tiếp đó là bối cảnh phim đưa người xem quay về với phong trào Naxalite, một phong trào công nông bắt nguồn từ miền Tây Bengal, nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Mac-Lenin) chống lại chính phủ và địa chủ, cùng những hệ quả của nó. Và cuối cùng là phương thức mà bộ phim đến với công chúng: đoàn làm phim gây quỹ bằng cách đi đến từng ngôi làng và biểu diễn nghệ thuật (ca hát, đóng kịch, vv) để nhận tiền đóng góp của dân làng, sau đó họ làm phim và tổ chức các buổi chiếu miễn phí ở các nơi công cộng và trường học, đúng với tinh thần “điện ảnh cơ sở” (grassroots cinema). Kết quả là sự hình thành của một dạng thức làm phim và phân phối mới bên ngoài nền công nghiệp điện ảnh truyền thống; một tuyên ngôn điện ảnh phân rõ ranh giới giữa “những phim khắc họa hiện thực thông qua sự khai thác lạm dụng các khía cạnh văn hóa và chính trị” với phim của Odessa mà điện ảnh là phương tiện để “chúng ta cùng giúp đỡ nhau xây dựng nền tảng mới cho nhận thức xã hội”. Một cách thức làm phim trao quyền và giải phóng chính điện ảnh.

Bộ phim mở đầu với chuyến khởi hành và cùng lúc giã từ mẹ đến Delhi của Purushan, một thanh niên trẻ vừa nhận được học bổng đại học. Trên đường đi, xe của anh bị yêu cầu dừng lại bởi cảnh sát, và anh chứng kiến họ khiêng xác của một thanh niên tự tử trên một ngọn đồi. Khuôn mặt của người thanh niên ấy cảm giác rất quen thuộc với Purushan, nhưng anh không tài nào nhớ được nổi tên. Anh đã tìm những người quen để nhận diện mặt, và phải mất một hồi họ mới xác định được đó là Hari, một chàng trai chơi nhạc cụ từng là thành viên của phong trào Naxalite. Purushan quyết định dừng kế hoạch đến đại học ở Delhi để tìm mẹ của Hari và muốn đến tận nơi bà thông báo cái chết của con trai. Trên đường đến nơi ở của mẹ Hari, rất nhiều những thanh niên trẻ khác, từng là bạn, là người quen của người đã khuất, gia nhập cùng với Purushan. Dần dần đám đông đó trải qua một chuyến đi dài dọc nước Ấn, cũng là cuộc hành trình đi qua những số phận và tàn dư còn sót lại đằng sau những hỗn mang dư chấn lịch sử, xoáy sâu vào quá khứ của phong trào Naxalite cùng những mảnh ghép kí ức vụn vặt chắp vá của những người bạn về Hari. Một Ấn Độ chia rẽ sâu sắc bởi hệ thống đẳng cấp (caste), trải qua không biết bao nhiêu cuộc bạo động biểu tình của công nhân và nông dân để phân chia lại gạo thóc và ruộng đất cho dân nghèo. Một phong trào Naxalite giành được những thắng lợi ngắn ngủi rồi sau đó nếm trải những thất bại liên tiếp dưới sự móc ngoặc của lãnh đạo công đoàn, chủ nhà máy cùng cảnh sát. Một Hari không phải là hình mẫu người anh hùng để tưởng nhớ và tôn vinh bởi đám đông như điều thường thấy trong các tác phẩm điện ảnh cùng thời, mà là một cá nhân bí ẩn, phức tạp đầy mâu thuẫn. Trong những mảnh ghép kí ức ngổn ngang mơ hồ của những người bạn, Hari không phải là người năng nổ tham gia các hoạt động biểu tình. Thậm chí chính anh, sau khi bị tra tấn, đã chỉ điểm cho cảnh sát đến nhà của những thành viên khác trong Naxalite. Một đám người cùng chung chí hướng, vẫn nặng tình nghĩa với Hari, nhưng tất cả bị giam cầm trong hồi ức về người đã khuất, trong cũi sắt của quá khứ mà chẳng thể nhìn thấy thực tại và cố gắng tìm ra nguyên nhân đằng sau cái chết. Tất cả những nghịch lý trớ trêu của một cuộc hành trình kì lạ đã được ôm bọc lại trong hình thức của một lá thư mà Purushan gửi mẹ kể lại sự việc, phỏng theo lối làm phim tài liệu xen lẫn tuyên truyền agitprop.

Mở đầu với hình ảnh một người mẹ, và kết thúc cũng là hình ảnh một người mẹ, bộ phim là một vòng lặp của những hình tượng và chi tiết mà mở ra trong nó rất nhiều những câu hỏi phức tạp. Liệu hình tượng người mẹ trong tiêu đề là ai? Có phải là chỉ riêng mẹ của Purushan hay mẹ của Hari không? Hay đó là tất cả những bà mẹ trên nước Ấn, và rộng hơn chính là mẹ Ấn Độ, đang chứng kiến những đứa con, một thế hệ trẻ vô định hướng, chết dần chết mòn? Và liệu cái chết của Hari có thành ngọn lửa thôi thúc một cuộc cách mạng mới, hay dập tắt tất cả niềm tin và ý chí của người còn sống? Tất cả những câu hỏi đó đã làm nên giá trị của “Report to Mother”, một tác phẩm điện ảnh phi thường của làn sóng “điện ảnh của nhân dân” truy vấn mạnh mẽ bản chất chính trị cánh tả, mà càng những lần xem sau chỉ càng hé lộ thêm những tầng nghĩa, những nhận thức và suy tưởng mới.

———————————————

Link phim:

https://drive.google.com/…/1oLYu9yCFTsG7EFjz0J5…/view…

Nguồn tham khảo:

Excavating the remains of the left: radical geography and political affirmation – Ameet Parameswaran https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14682761.2019.1654311?journalCode=rstp20
AMMA ARIYAN (Report to Mother) Dir. John Abraham, 1986, Malayalam – Omar Ahmed https://moviemahal.net/2015/10/18/amma-ariyan-report-to-mother-what-i-want-my-mother-to-know-dir-john-abraham-1986-malayalam/
Amma Ariyan/Message to my Mother (John Abraham, India, 1986) dialecticalfilms.wordpress.com/2012/05/24/amma-ariyanmessage-to-my-mother-john-abraham-india-1986/

Ngày đăng: 27 / 5 / 2020

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started