[PHÂN TÍCH PHIM] GHOST IN THE SHELL: NHÂN VĂN, SIÊU NHÂN VĂN VÀ HẬU NHÂN VĂN

Ở khoảng một phần ba thời lượng phim, Ghost In The Shell chợt ngưng cốt truyện về gián điệp điện tử và đối thoại công sở để đưa khán giả vào một chuyến đi của nhân vật chính, Thiếu tá Motoko Kusanagi, tại thành phố Tokyo-rất-giống-Hong Kong của cô. Trong lúc cô du ngoạn qua những khu chung cư san sát chật ních các biển hiệu nê-ông, bản nhạc chủ đề huyền thoại của Kenji Kawai–một bản nhạc dân gian được chơi tại đám cưới, với lời hát lấy từ điệu hò về sự kết đôi của một cặp tình nhân trẻ–vang lên, kết nối trường đoạn này với cảnh lắp ghép người máy [1] ở đầu phim. Ở hai chuỗi cảnh này, đạo diễn Mamoru Oshii muốn bộc lộ rõ suy tưởng của ông về hai sự kết hợp giống như hôn phối: thứ nhất là việc một người máy được lắp ghép trên dây chuyền công nghệ tân tiến với một bộ não người, hoặc ít nhất là một cơ quan hữu cơ được bọc kín và có chức năng như não người; thứ hai là việc cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng ảnh hưởng từ Hong Kong len lỏi vào bộ khung tổng thể của thành phố Tokyo. Hai sự kết hợp này đều tạo ra những sinh thể mới, nhưng danh tính của Motoko và danh tính của Tokyo đời mới đều rất khó xác định, thế nên chuyến du ngoạn của Motoko có mục đích chiêm nghiệm sự nghi ngờ trong lòng mình bằng cách thổi bung tâm thế ấy ra bối cảnh xung quanh, vốn đã chẳng cần phóng chiếu cảm xúc mà vẫn khiến Motoko thấy tương đồng.

Trong thế giới cyberpunk của GITS, Motoko làm việc tại đơn vị đặc biệt có tên Section 9. Thời điểm của phim là năm 2029, khi việc cường hóa cơ thể đã khiến con người dần hòa nhập với công nghệ kỹ thuật cao. Motoko cùng đồng đội là Batou và Togusa bị cuốn vào một vụ việc liên quan đến Puppet Master (tên gọi chính thức là Project 2501), một tin tặc ranh ma với khả năng tấn công thẳng vào não bộ được kết nối mạng của nhiều người. Cùng lúc đó, cô cũng hay u uất và bối rối vì không tìm được bản thể của mình, theo đúng như thí nghiệm tư duy Chiến thuyền của Theseus [2]: nếu cơ thể của cô đã bị thay thế bằng máy móc cho tới tận bộ não, thì điều gì khiến cô còn là Motoko của những ngày đầu? Hơn nữa, vì cô không thể nhìn thấy bộ não của mình, nên sao cô có thể chắc rằng thực sự đã từng có một Motoko trẻ trung khi xưa, chứ không phải một cấu trúc bằng máy hoàn toàn với ký ức được cài vào?

Hành trình nhân vật của cô là hành trình từ nhân văn chủ nghĩa (H) tới siêu nhân văn chủ nghĩa (H+), và cuối cùng là hậu nhân văn chủ nghĩa (P/H).

NHÂN VĂN CHỦ NGHĨA

H có xuất phát điểm từ Kỷ Khai sáng, phong trào triết học và nghệ thuật tối quan trọng của phương Tây hiện đại hồi thế kỷ 17 và 18, với sự đề cao ý chí tự do, lý tính cá nhân, phân biệt tốt – xấu rạch ròi, và sự nghi ngờ tôn giáo có tổ chức. Trong H, con người luôn muốn tiến tới nhận thức bản thân, luôn hỏi câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng khoa học và công nghệ càng đi lên thì con người lại càng xa cách với bản thể, vì bản thể con người ở đây không phải đơn nhất, mà mang nhiều nhánh đa tính dạng (chủng tộc, giới tính, tín niệm,…).

Tuy thế, sự giải cấu trúc thông qua các phân loại này vẫn giữ theo thuyết dĩ nhân vi tâm [3], trong khi “bản chất con người” thậm chí còn chưa được định nghĩa cụ thể và đầy đủ. Nan đề về tương quan giữa tâm trí và cơ thể đã đi qua hàng trăm năm, đủ để lý thuyết lưỡng nguyên “Tôi nghĩ, nên tôi tồn tại,” của René Descartes bị nhiều triết gia, từ Margaret Cavendish tới Gilbert Ryle, phủ định hoàn toàn. Nếu như lưỡng nguyên của Descartes nói rằng có hai thực thể riêng biệt là tâm thức và cơ thể, thì Ryle đã kết thúc ảnh hưởng của thuyết ấy với cuốn sách Concept of the Mind, trong đó ông đề xuất khái niệm “bóng ma trong cỗ máy” [4] để miêu tả lỗi sai của Descartes, và khái niệm này cũng trở thành cảm hứng cho tiêu đề phim.

SIÊU NHÂN VĂN CHỦ NGHĨA

Thật không may cho Motoko, cô đang tồn tại ở H+, có lẽ vì quy trình cường hóa này đã xảy đến với nước Nhật của cô quá nhanh. H+ là phong trào trí thức và văn hóa tập trung vào sự cải tiến và cường hóa cơ thể con người và tư duy triết học thông qua khoa học công nghệ. Trong đời thực, H+ phổ biến hơn ta nghĩ, với những thiết bị phổ biến như máy trợ thính, máy điều tâm, chi giả bằng máy,… Quanh ta đã có rất nhiều “siêu nhân”, những con người vượt lên chức năng máu thịt của người thường rồi. Tuy vậy, H+ vẫn bị níu lại ở cái gốc H của nó, vẫn kẹt vào các nguyên tắc của Kỷ Khai sáng, vẫn không có tính phê bình đối với chủ nghĩa dĩ nhân vi tâm mà còn củng cố nó hơn: công nghệ trở thành các phụ kiện cho cơ thể con người. Thể chất của Motoko được cường hóa đến mức đầy cơ bắp và có khả năng cầm cự trước một thiết giáp xa công nghệ cao, thế nhưng khi cô gồng hết sức để phá nắp cỗ máy ấy, ý chí của cô vẫn không đủ để bảo toàn cơ thể.

Tính nữ của Motoko có tính biểu diễn và tính trực giác: cô cho rằng tĩnh điện trong não bộ là dấu hiệu của chu kỳ kinh nguyệt, kể cả khi cô không cảm nhận như phụ nữ thông thường; cô không mảy may để tâm khi cơ thể vượt quá cực hạn vật lý và bị đứt gãy. Cô vẫn trân quý những giá trị của nhân văn, giống như tính người của anh bạn Togusa hay giọng nói từ tâm thức của cô. Cơ thể Siêu nhân của Motoko mở ra những cơ hội mới về vòng đời và sức mạnh, nhưng nó cũng giới hạn cô trong những điểm yếu cố hữu của H+. Cơ thể nào cũng được cấu thành trong một khung lớn của văn hóa và thể chế quyền lực, thế nên cơ thể không có khả năng tồn tại độc lập về vật chất trong khung ấy. Không gì bên trong con người đủ để làm nền tảng cho việc tự nhận thức bản thân, chứ chưa nói là để hiểu người khác. Đó là lý do Motoko ở dạng siêu nhân vẫn cứ luẩn quẩn trong những câu hỏi cũ. H+ đơn thuần là nhân loại được phủ lên một chút công nghệ và bỏ qua vấn đề chính: cả H và H+ đều coi con người là trung tâm vạn vật, tách biệt với động vật, máy móc và các thực thể phi nhân khác. Đặc biệt, con người có thể hiểu bản thân và được bản thân hiểu, để tìm đến một cốt lõi thiết yếu nào đó. Vì thế, H+ vẫn níu vào những cực đối lập tuyệt đối như người – phi nhân, bình thường – bất thường,…

Triết gia Jürgen Habermas nhìn thấy giá trị ở mục tiêu nhân văn, tự do, lý tính, nhưng ông vẫn coi đây là một quá trình cần bước qua, thay vì đơn giản là bỏ lại. Kỷ Khai sáng là một dự án dang dở, cần công nghệ và sự quyết đoán của P/H để xử lý nốt. Cuộc truy cầu của cách mạng công nghệ sớm muộn gì cũng vượt qua giai đoạn H+ và các thế hệ sau này của Siêu nhân sẽ trở thành Hậu nhân hoàn chỉnh, nghĩa là con người hòa trộn với công nghệ đến mức không còn nhận ra chút tính chất nào của con người nữa.

HẬU NHÂN VĂN CHỦ NGHĨA

Câu trả lời dành cho nan đề của Motoko nằm ở P/H, phong trào văn hóa chối bỏ cả H và H+ để giải cấu trúc khái niệm con người. Trong P/H, danh tính con người luôn động, thuộc về một dòng chảy của thông tin, chứ không tĩnh, thế nên việc Motoko luôn nhìn về quá khứ để tìm lại những điểm mốc bản thể xưa cũ là việc phí thời gian. Về lý thuyết, P/H vượt trội hẳn so với hai phong trào kia vì nó luôn phê bình sự đánh đồng công nghệ và lý tính với tiến bộ. Không phải công nghệ nào cũng là tiến bộ, mà có thể là thoái bộ, gài nền văn minh đi vào số lùi, giống như hiểm họa tiềm tàng của bom hạt nhân. Các khái niệm về lý tính của văn hóa phương Tây cũng không củng cố tiến bộ, ví dụ như việc nhiều bộ óc được cho là vĩ đại của Kỷ Khai sáng như Immanuel Kant hay John Locke dùng “lý tính” (trong phạm vi của giới nam, phương Tây, văn minh) phục vụ cho lý luận rằng chỉ đàn ông da trắng có của mới sở hữu bản chất con người, còn một số nhóm người hoặc nhóm sắc tộc chỉ xứng làm hạ nhân/phụ nhân. Những giá trị của tự do và độc lập ấy đều là đạo đức giả, dần dần đã trở phương tiện biện minh cho các cấu trúc thuộc địa, phụ quyền và tư bản.

Ba yếu tố chủ đạo của P/H là: (1) Hậu-nhân văn: Phong trào này sẽ vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của “con người” như một khái niệm văn hóa, lịch sử, sinh học, sinh thái học; (2) Hậu-dĩ nhân vi tâm: loài người cần được đưa ra khỏi vị trí trung tâm của diễn ngôn, nghĩa là dù về vấn đề môi trường hay tương tác giữa các loài, mọi thứ không còn xoay quanh chúng ta nữa; (3) Hậu-lưỡng nguyên: Ở H+, lưỡng nguyên vẫn được dùng để diễn giải thế giới thông qua hệ thống “chúng ta – chúng nó” như nam – nữ, văn hóa – tự nhiên, và dĩ nhiên là cả tâm thức – cơ thể. Chúng ta chỉ có thể bước vào giai đoạn P/H khi gạt bỏ tư duy này, vì chủ nghĩa lưỡng nguyên sẽ liên tục tạo ra nỗi sợ và sự thù địch, ví dụ như sự trỗi dậy bạo lực của trí thông minh nhân tạo. Như Scott Jefferey viết trong cuốn The Post Superhuman Body in Superhero Comics: “Sự khác biệt chính yếu giữa H+ và P/H nằm ở chỗ P/H không coi nhẹ loài người, mà P/H sẽ tra vấn tính đơn nhất và tính trung tâm khiến nhân tính trở nên yếu đuối, nghĩa là chứng minh rằng bản chất con người chưa từng là thuần túy hay tự nhiên.”

Khi thiết giáp xa xả súng theo Motoko, luồng đạn bắn nát một số bức tranh trên tường, trong đó có tranh về khủng long và cả tranh về Cây tiến hóa, với loài người (hominis) ở trên cùng chuỗi tiến hóa. Chúng ta vẫn tự tách biệt, vẫn tự coi mình là đặc biệt và không còn phải tiến hóa nữa. Sau đó, như lời P2501 nói, chỉ khi buông bỏ bản thân và tiến lên vô ngã, Motoko mới tiến lên dạng “người máy” thực sự, vượt qua sự nửa vời và ham muốn thiếu phê phán của dạng “siêu nhân” mà cô vẫn mang. P2501 đã thuyết phục được Motoko kết hợp với hắn, nghĩa là chối bỏ thuyết lưỡng nguyên, chối bỏ tư duy rằng loài người là độc nhất vì chúng ta có linh hồn và ý thức nên chúng ta có quyền thống trị muôn loài. Trong tiểu luận A Cyborg Manifesto, bà Donna Haraway–một triết gia xã hội chủ nghĩa – nữ quyền, người sau đó đã có vai “khách mời” trong Ghost in the Shell 2: Innocence (Oshii, 2004)–đã khẳng định rằng: “Còn có nhiều tiềm năng cho các nhà nữ quyền khi phá vỡ ranh giới giữa hữu cơ và máy móc, cũng như các ranh giới cấu thành khác của bản thể phương Tây.” Tiến bộ của khoa học sẽ xóa nhòa những khác biệt mà chúng ta từng tận dụng để bảo vệ bản ngã. Những ý niệm lưỡng nguyên trong Motoko dần bị phá hủy bởi chính sự tồn tại của cô, một dạng siêu nhân ngấp nghé hậu-nhân.

Vì thế, sự kết hợp giữa P2501 và Motoko chính là phương thức để đưa một siêu nhân thành một hậu-nhân. P2501 không có bộ não, không có kết nối với lĩnh vực vật chất. Tính vô thể của y cũng tạo ra điểm yếu: y có thể bị đè lệnh bởi một chương trình chống phá. Với y, danh tính chính là ký ức, vì y không có cơ thể để cảm nhận sự già hay cái chết. Những bản sao của y không được coi là con cháu, vì bản sao vẫn chỉ có những đặc điểm y hệt, nghĩa là điểm mạnh và điểm yếu y hệt. P2501 cần một quy trình giống như sinh sản ở loài người.

Một trí thông minh nhân tạo ham muốn có cơ thể và một người máy vẫn nghi ngờ bản thân, cả hai ghép cặp giống như công thức cha trời (lửng lơ, vô thể, ý niệm) và mẹ đất (vững vàng, hữu thể, vật chất) vốn vẫn nằm ở mạch chính thống của văn hóa phương Tây, từ Uranus – Gaia trong thần thoại Hy Lạp cho tới hai nhân vật chính trong mother! (Darren Aronofsky, 2017). Chính P2501 cũng nói gọi sự phối hợp của họ là “cuộc đoàn viên”, và mặc dù cao trào ấy bao gồm một số biểu trưng gắn liền với đám cưới như tiếng chuông nhà thờ, thì những yếu tố truyện chủ chốt vẫn hướng cuộc đoàn viên và màn phối ngẫu công nghệ theo một hướng lệch chuẩn: hình mẫu người cha nơi Batou cố gắng ngăn cản cuộc hôn phối với một chàng trai mà ông không ưa, “màn cầu hôn” của P2501 xảy ra ở chỗ khuất nơi Batou không nhìn thấy, sau cùng thì Batou vẫn cố bảo vệ Motoko, và sự sai khác đặc biệt nằm việc cảnh này không hề có bản nhạc đám cưới của phim. Bước nhảy lên P/H sẽ gạt bỏ hình thức của đám cưới truyền thống, một phong tục quen thuộc của con người, mà vẫn giữ mục đích duy trì nòi giống và truyền đạt thông tin để mở rộng sự đa dạng.

Trong cuốn The Posthuman Body of Superhero Comics, Scott Jeffery cho rằng P/H cần được tiếp cận một cách hiệu quả nhất thông qua khái niệm: (1) căn hành và (2) phối kết hợp của Giles Deleuze và Félix Guattari. Họ cho rằng hình mẫu tư duy phổ biến nhất ở phương Tây là cái cây (ví dụ như bản đồ tư duy ở trường học rất phổ biến), vì hệ thống chia nhánh đan xen nhau, đối xứng nhau có thể dễ dàng tạo ra những hệ “A hoặc B”, “mệnh đề và phản đề”, “chia rẽ và đối chiếu”,… nhằm tạo ra những giới hạn nhất định cho chế độ tư duy.

Căn hành là hình ảnh trực quan lấy từ cây thân rễ, trong đó các đoạn rễ không quy về một mối chung, còn theo nghĩa bóng thì các cá thể sẽ liên tục được kết nối với nhau trong chuỗi biểu tượng chứ không cần những tuyến lịch sử và văn hóa lớn quy về một mối, nghĩa là không cần trung tâm nữa. Như vậy, không có yếu tố nào luôn nằm ở tâm của P/H, mà tính đồng nhất sẽ xuất hiện khi một yếu tố được cho phép nắm quyền chủ đạo. Hệ căn hành là một cấu trúc không có giai tầng, không có điểm khởi nguyên và không kết thúc, chỉ có vô số nguồn, sự gián đoạn, nếp gấp, sự chồng chéo và chia rẽ. Cơ thể P/H được được tạo nên bởi sự phối kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và xã hội, khiến chức năng và ý nghĩa của mỗi cá thể phụ thuộc vào những cá thể được kết hợp cùng nó, giống như hệ Motoko-P2501 đi kèm với nhau như ở kết phim. Trong P/H, chúng ta không còn là đơn thể nữa, mà chỉ tồn tại và được diễn giải trong quan hệ với vô vàn các giống loài khác, đặc biệt với các vi sinh thể trong ta, với thức ăn, với không khí. Tính chủ quan không bị gói gọn trong trải nghiệm nhân sinh nữa, mà là một bộ khung mở đặt song song với những yếu tố khác. Bằng việc từ bỏ trật tự giai tầng, con người sẽ đạt được vô ngã thực sự.

Sau khi Motoko kết hợp thành công với P2501, Batou cứu lấy phần não cũ của cô và ghép đầu cô với cơ thể một đứa trẻ. Cách mà Batou vẫn mặc cho P/H Motoko một bộ đồ hợp với lứa tuổi và giữ khoảng cách tôn trọng với “cô” thể hiện tính nhân văn ở ông, nhưng nhân vật mới kia đã vứt bỏ bản ngã, và “cô” tồn tại như một bộ khung mở bên cạnh những yếu tố cấu thành xung quanh như dụng cụ chăm sóc hoặc sự thụ động đầy thấu hiểu của Batou ở phía sau. Trong ba phút xuất hiện, nhân vật mới này không được bố cục trong một cú cận chặt nào như phim đã làm với người phụ nữ được biết đến với cái tên Motoko Kusanagi.

“Mạng lưới rộng lớn vô tận.” – nhân vật này phóng tầm mắt ra quang cảnh đô thành, giờ đây đã có hình dạng giống như hệ căn hành, nghĩa là thế giới vật chất giờ đây cũng mang dạng và tiềm năng giống như mạng lưới dữ liệu.


Chú thích

[1] Người máy/Cyborg: sinh thể được kết hợp giữa vi mạch điện tử và sinh thể hữu cơ. Từ “cyborg” được ghép từ “cybernetic” và “organism”.

[2] Chiến thuyền của Theseus: Thí nghiệm tư duy dựa trên con thuyền của vua Theseus của Athens, trong đó các mảnh thuyền bị mục được tháo dần ra để thay các mảnh mới vào. Đến khi các mảnh đã bị thay hết, liệu đó còn là con thuyền khi xưa?

[3] Dĩ nhân vi tâm/Anthrophocentrism: Tư tưởng đặt con người ở vị trí quan trọng nhất vũ trụ (“cái rốn của vũ trụ”?)

[4] “Ghost in the machine”: khái niệm được Gilbert Ryle đặt ra để miêu tả việc có một “người” ngồi trong não để điều khiển cơ thể

Các nguồn tham khảo

Donna Haraway, “A Cyborg Manifesto”
Scott Jeffery, “The Posthuman Body of Superhero Comics”
Trang web của The Posthumanism Philosophy
YouTube, “There is no ‘I’ in Human: Towards A Posthuman Ethics”

Design a site like this with WordPress.com
Get started