[Phân tích phim] Cái đúng, cái sai của Hong Sang-Soo

Right Now, Wrong Then (Lúc Này Đúng, Khi Đó Sai, 2015) từng thắng giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Locarno lần thứ 68. Cây bút phê bình Richard Brody trên trang New Yorker có nhắc tới đạo diễn Hong như một trong “những đạo diễn giỏi nhất thế giới”, ngợi ca ông là Woody Allen hay Éric Rohmer phiên bản Hàn.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, Hong đang là tâm điểm của một vụ bê bối lớn. Gần một năm trước, báo chí đưa tin Hong Sang-soo đã li dị người vợ chung sống suốt 30 năm để đến với nữ diễn viên Kim Min-hee (đóng trong phim Right Now, Wrong Then và cũng góp mặt trong The Handmaiden của Park Chan-wook). Nữ diễn viên này nhỏ hơn ông đến 22 tuổi. Cư dân mạng nhanh chóng nhận thấy câu chuyện này y hệt như trong một bộ phim của ông: một nhà làm phim bỏ rơi người vợ chung thủy để theo đuổi một phụ nữ trẻ đẹp hơn. Điểm nối điểm: chuỗi sự kiện trong phim dường như cũng ăn theo một hình mẫu (đáng để nghi ngại) hình thành xuyên suốt trong các tác phẩm nhanh chóng nở rộ của đạo diễn Hong. Trong gần hai thập niên qua, phim của ông theo đuổi một viễn cảnh thế giới duy nhất, nơi những người đàn ông cứ làm rối tung mọi chuyện rồi bại hoại, trong khi những người phụ nữ phải thỏa hiệp với những sai lầm của họ.

Right Now, Wrong Then là câu chuyện hư cấu gồm hai phần kể về Ham Chun-soo (Jung Jae-young), một nhà làm phim nghệ thuật, và Yoon Hee-jung (Kim Min-hee), một họa sĩ mà anh gặp ngay trước ngày công chiếu phim. Phần đầu phim xoay quanh cuộc gặp gỡ ban đầu của họ và khi đó Chun-soo ráo riết theo đuổi Hee-jung. Anh liên tục nói rằng mình hiểu lòng nàng, cả hai có thể phát triển mối quan hệ trên cả tình bạn và dần dần anh cũng giành được tình cảm của nàng. Nhưng Hee-jung đã rời bỏ Chun-soo khi nghe anh thú nhận mình đã có vợ gần 30 năm trong một cơn say. Phần thứ hai vẽ ra viễn cảnh sự việc sẽ diễn biến thế nào nếu Chun-soo chân thành và dịu dàng hơn trong lúc cưa cẩm nàng. Dù có hơi điệu bộ nhưng sự chân thành của Chun-soo dường như là mảnh ghép còn thiếu trong mối quan hệ giữa họ, thậm chí phẩm chất này còn cần thiết cho tình yêu hơn là tình trạng đã kết hôn của anh ta.

Ai đã quen với thế giới điện ảnh của Hong đều biết những nam chính của ông không phải hình tượng tốt đẹp gì. Hong không ngại chỉ ra vô vàn cách thức đàn ông mắc sai lầm, bao gồm ngủ lang, quan hệ ngoài luồng, có thai ngoài ý muốn và đòi tự sát. Nhưng bằng cách cho đàn ông cả một không gian để say sưa trong những tệ nạn này, mà hầu hết chúng biến phụ nữ Hàn trở thành nạn nhân, phim của ông lại tỏa sáng, như Kevin B. Lee trên trang Slant viết phim Hong toát ra “cảm thức tự ăn mình” (self-absorption), có lẽ còn quá hơn vì ông đã và đang nhân rộng những câu chuyện giống nhau đó trong suốt sự nghiệp của mình.

Ngược lại, nữ chính trong phim Hong lại hiếm khi được phản ứng trở lại với những tệ nạn đó. Đúng hơn, những cảm xúc yếu đuối của họ bị đàn ông lờ đi. Trong phim The Power of Kangwon Province (1998), Ji-sook kết thúc mối quan hệ với một người đàn ông đã kết hôn. Nàng bảo với bạn rằng mình sẽ nỗ lực đoạt lấy những gì mình biết mình có thể có, và sẽ từ bỏ những gì mình không thể có. Nhưng khi ở một mình, nàng khóc tức tưởi rồi lại trở về bên người đàn ông đó. Nàng trải qua nhiều mối tình một đêm để khỏa lấp nỗi cô đơn sau khi chia tay, rồi lại hối hận, “Vì không có anh nên em cứ mãi phạm sai lầm”. Sangwon đáp lại bằng cách nhờ nàng thổi kèn, xem như không biết nàng đã phạm sai lầm gì và cũng không có ý định muốn biết thêm. Sự vô tâm của hắn trở thành sự vô tâm của chính chúng ta, còn nỗi đau của nàng cứ thế bị chôn vùi trong những cái không được nhắc đến.

Trong Right Now Wrong Then, Hee-jung thừa nhận mình không có bạn bè, nhưng xem chuyện đó chẳng thành vấn đề. Không giống như Ji-sook, Hee-jung không bao giờ thấy khóc, kể cả khi một mình. Phần đầu phim, Chun-soo phản ứng bằng cách đi hút thuốc. Phần thứ hai của phim, anh khẳng định mình yêu nàng, cố bộc lộ tình cảm. Dù đã kết hôn, anh vẫn trao nhẫn cho nàng: “Đây là nhẫn cưới của đôi ta, giờ chúng ta kết hôn rồi”. Hee-jung cười. “Anh đáng yêu quá, đạo diễn à. Cảm ơn anh”. Lúc này người xem cảm nhận được nỗ lực dù có hơi tầm thường nhưng chân thành của Chun-soo để chiến thắng trái tim Hee-jung, và nỗ lực đó đã thành công. Hôm sau, Hee-jung đến buổi công chiếu phim của tình nhân và thủ thỉ rằng mình rất vui khi biết anh. Họ hẹn gặp nhau vào một ngày không xa. Khi phim kết thúc, nàng chạy vù ra đường phố phủ tuyết trắng, chờ đợi điều gì mới sẽ xảy đến. Nhưng kết thúc có hậu này dành cho ai? Cảnh cuối này có ý nghĩa gì? Ngỡ là kết lãng mạn tràn đầy hi vọng, bộ phim lại khắc họa Hee-jung như mẫu đàn bà thụ động chờ đợi từng hình tượng Chun-soo khác nhau đến, biến cô thành phần thưởng để thúc đẩy và ban tặng cho những nỗ lực tự cải thiện bản thân của Chun-soo.

Có hai luồng ý kiến, người cho rằng Hong đã phá bỏ nam quyền, kẻ lại nghĩ ông không có mục đích gì cả. Hai luồng ý kiến đều đúng, dù Hong có chĩa mũi dao về vấn đề nam quyền, nhưng vẫn còn thiếu sự tự phê bình có chủ tâm. Claire Denis từng viết “đàn bà đóng vai trò là trục thời gian” kết nối những dòng chảy bị phân mảnh trong phim của Hong. Những cuộc gặp gỡ với đàn bà đánh dấu điểm khởi đầu và kết thúc cho những gã đàn ông lóng ngóng, đang bị hành hạ bởi mấy cơn khủng hoảng sống còn, và thường xuyên cuốn gói từ giường cô này sang giường cô khác. Nữ chính của Hong thường thẳng tính, xinh đẹp, là chỗ dựa tinh thần cho những gã nam chính bất ổn của ông. Trường hợp Right Now, Wrong Then, Hee-jung là cơ hội thứ hai để Chun-soo được yêu lần nữa, anh ta cũng tự biết thế. “Em đẹp lắm, cảm ơn em đã đồng hành cùng anh”.

Những đoạn đó rất đặc trưng cho phong cách làm phim của Hong. Một gã đàn ông tuyệt vọng không biết mình muốn gì, vội vàng bấu víu vào một người đàn bà nhưng lại chẳng biết gì về nàng. Trong nỗi khát khao sai lầm đó, sự ngạo mạn của đàn ông bị phơi bày như một thứ tâm bệnh đáng thương. Nhưng hiếm khi đạo diễn tự nhìn nhận xem bản thân thế nào mới dẫn đến tình trạng này. Mỉa mai thay, tuy tập trung vào nữ giới nhưng Hong Sang-soo lại trói buộc họ vào trọng trách nâng đỡ những câu chuyện, những khát vọng, những mục tiêu của đàn ông. Đàn bà thường xuất hiện ngay tên phim của ông (Virgin Stripped Bare by Her Bachelors, Woman on the Beach, Woman is the Future of Man, Our Sunhi). Nhưng vai trò của họ bị gắn chặt với đàn ông, những kẻ sẽ thành ra vô dụng nếu không có đàn bà. Đàn bà là tương lai của đàn ông, nhưng không bao giờ là tương lai của chính họ.

Thực chất, đàn bà trong phim Hong không thể có tương lai mà không dính líu đến đàn ông, vì Hong không để cho họ có bản sắc riêng. Theo nhà phê bình Kim Kyung-wook của trang Cine21, nhân vật nam trong phim Hong luôn nỗ lực để khẳng định bản thân, còn nhân vật nữ nghĩ gì và muốn gì vẫn là một điều bí ẩn. Chúng ta biết được vài điều về Hee-jung (nàng sống với mẹ, uống rượu nhiều, thích vẽ), nhưng chỉ đến thế, dù Chun-soo dễ dàng yêu nàng nhưng lại biết rất ít về nàng. Có thể nói, đàn bà của Hong chỉ tồn tại vì đàn ông cũng tồn tại và lôi kéo họ vào mớ bòng bong cuộc đời. Trong một cảnh phim Woman on the Beach (2006), Mun-suk (mẫu đàn bà tiêu biểu) chê trách nghệ sĩ Jung-rae rằng: “Anh khác với phim của anh. Anh chỉ như bao gã đàn ông Hàn Quốc ngoài kia thôi”. Tương tự, cần phải xét lại vị thế của Hong Sang-soo như bao gã đàn ông Hàn Quốc khác.

Giới phê bình thường tách Hong Sang-soo khỏi những nhà làm phim Hàn Quốc, đặt ông vào vị trí đối nghịch với những đạo diễn như Kim Ki-duk và Park Chan-wook. Thay vào đó ông được xếp cùng nhóm với những đạo diễn phương Tây, đặc biệt là những người gây ảnh hưởng cho ông như Buñuel, Rohmer, Allen. Tuy nhiên, mối liên hệ này hàm ý rằng vì những sự gắn bó với phương Tây của ông – sự ảnh hưởng Làn Sóng Mới của Pháp, sự thẳng thắn trong phim, sự gắn bó với “chủ nghĩa hiện thực”- nên Hong cũng vượt xa hơn nền điện ảnh Hàn Quốc, nền điện ảnh hay bị đánh giá là quá nông cạn, sến sẩm, và thái quá. Quan điểm này không chỉ bỏ qua những tiền bối của Hong như Jang Sun-woo hay Park Kwang-su và cả nền điện ảnh mới Hàn Quốc mà phim của Hong cũng nằm trong số đó, nó còn gián tiếp khẳng định rằng cách Hong khắc họa nam giới ở vị trí trung tâm dễ chấp nhận và dễ được yêu thích hơn.

Dòng phim tình cảm dán mác “cao cấp” thường bị cho là phê phán kiểu trí thức về nam quyền thay vì biểu hiện ra sự ảo tưởng của đàn ông dựa theo hình thức và phương thức biểu đạt của nhân vật (nói chuyện trong quán bar chứ không phải là những trận đấu đầy tiếng la hét, một thành phố ven biển thay vì một thị trấn nông thôn). Cũng theo phong cách đó, Hong Sang-soo tập trung vào những người trí thức và nghệ sĩ thay vì tầng lớp lao động như trong những phim arthouse Hàn Quốc khác như Oasis, Breathless, Bad Guy. Cộng thêm kiểu làm phim tối giản, phim của Hong không bị chỉ trích là căm ghét đàn bà (misogyny). Những nhà làm phim như Hong và những nhà phê bình thích phim của họ, thường bảo rằng phim họ xoay quanh xung lực giữa tình yêu và số mệnh, nhờ đó tránh khỏi những tranh luận về giới tính và tính dục. Một người dùng Twitter ở Hàn Quốc từng viết: “Phim của Hong Sang-soo dù coi rẻ phụ nữ (misogyny) nhưng vẫn bán chạy ở Pháp vì giúp củng cố tư tưởng của họ về chủ nghĩa phương Đông.

Phim thứ ba của Hong, Virgin Stripped Bare by Her Bachelors, đặt ra những hứa hẹn cho những tác phẩm tiếp theo của đạo diễn. Jae-hoon, nam chính trong phim, một nhà quay phim, ôm nàng trinh nữ Soo-jung trong tay, thề thốt: “Những lỗi lầm anh đã gây ra, anh sẽ dùng cả đời này để sửa lại”. Soo-jung nhìn chằm chằm lên trần nhà, để mặc người yêu ôm dù lòng đầy mâu thuẫn. Xem phim của Hong cũng cảm giác như cái ôm của gã đàn ông đó. Mặc dù vô cùng sắc sảo và đi sâu vào nội tâm, phim của Hong vẫn cứ là những nời hứa hẹn sáo rỗng, thề thốt sẽ lật mở những điều mới về đàn ông, đàn bà và những lực hấp dẫn phổ quát. Nhưng hết lần này đến lần khác, những bộ phim đó lại chỉ bày ra một thế giới mà trong đó sự tự hạ bệ của đàn ông ngày càng cải tiến hơn, đáng yêu hơn (như những lời thú nhận nức nở của Chun-soo về sự dâng hiến), ít tự coi mình là trung tâm vũ trụ hơn [so với] chủ nghĩa đàn ông duy ngã độc tôn. Nhưng liệu có gì khác biệt không cơ chứ?

————————————
Bài viết của tác giả Kelley Dong, đăng lần đầu tiên trên Fandor, 24/6/2016, được tác giả sửa đổi và bổ sung vào ngày 16/11/2017.

Nguồn: http://dongkelley.tumblr.com/post/167571655205/the-rights-and-wrongs-of-hong-sang-soo

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started