[Phân tích phim] Motif biến dạng (metamorphosis) trong Tetsuo: The Iron Man

Hiểu theo nghĩa phổ thông, thuật ngữ metamorphosis ám chỉ sự biến đổi vật lý của cơ thể sang một hình thức, trạng thái, tính chất khác. Trong kỷ nguyên hiện đại, việc sử dụng motif biến dạng cho thấy nỗi ưu tư về thân phận người (có thể thấy qua truyện ngắn “Metamorphosis” của Franz Kafka), đặc biệt ở thể loại cyberpunk, sự biến dạng của nhân vật không chỉ đơn thuần từ người sang thú hay côn trùng, mà còn từ người sang máy móc. Họ luôn phải đối diện với nguy cơ đánh mất bản lai diện mục giữa một xã hội ngày càng được cơ giới hoá, công nghệ hoá đến mức vô cảm.

Bộ phim Tetsuo: The Iron Man của đạo diễn Shinya Tsukamoto là một ví dụ tiêu biểu. Sau một sự cố ngoài ý muốn, nhân vật chính (không tên, chỉ được gọi là “salaryman”) chứng kiến cơ thể mình dần biến thành một hỗn hợp kinh hoàng lai ghép giữa da thịt và những mẩu ống thép, dây cáp, lò xo, sắt vụn, thậm chí dương vật của hắn ta cũng là một mũi khoan. Tên phim “Tetsuo” là sự tri ân của đạo diễn Shinya Tsukamoto dành cho Akira – bộ manga đặt nền móng cho cyberpunk Nhật Bản. Nhân vật Tetsuo của Akira cũng trải qua quá trình biến dạng khiến cơ thể cậu mọc ra xúc tu và những khối thịt khổng lồ, vượt ngoài tầm kiểm soát. Yếu tố body horror cường điệu hoá và phơi bày những cơ thể tạp chủng, dị dạng nhằm thách thức giới hạn chịu đựng của người xem, nhưng đồng thời cũng phản ánh nỗi đau có thật từ những thí nghiệm khoa học trên cơ thể con người.

Nếu trước đây, con người được nhận thức như một chỉnh thể với một bản ngã duy nhất, thì trong thế kỷ XX, trải qua hai cuộc Thế chiến, quan niệm ấy không còn đứng vững. Chủ thể người trong thời kì hậu hiện đại là tồn tại phân mảnh, phi trung tâm, liên tục bị vô vàn thế lực giằng xé, nhào nặn. Theo triết gia Michel Foucault, thực thể sinh học của con người giờ đây đã trở thành đối tượng của sự kiểm soát và trừng phạt, khát khao “hiểu biết con người” trong các dự án tri thức và trật tự xã hội che giấu sự thực thi quyền lực dưới các hình thức tinh vi [1]. Có thể kể đến thuyết tiến hoá do Darwin khởi xướng đã trở thành công cụ đắc lực cho Đức Quốc xã, đồng thời kéo theo sự ra đời của các ngành ngụy khoa học như ngành ưu sinh (eugenics) hay nhân trắc học (anthropometrics) góp phần nghiên cứu bộ dáng hoàn hảo của cơ thể người nhưng đồng thời cũng loại bỏ những cá thể dị tật, bất cân xứng khỏi tiến trình lịch sử nhân loại. Cuối cùng là Human Genome Project, một dự án mang tiếng tìm hiểu con người dù thực chất chỉ khoét sâu sự bất bình đẳng với niềm tin rằng có một bộ gen tiền định trí thông minh, xu hướng tính dục và những phẩm chất ưu việt khác của con người.

Trở lại với Tetsuo: The Iron Man và Akira, cả hai bộ phim đều ra mắt vào thời điểm nước Nhật trong giai đoạn phát triển kinh tế đỉnh cao thập niên 1970-80. Những người trẻ như Tetsuo (Akira) được kì vọng là “mầm non tương lai” của đất nước, còn những gã nhân viên công sở cổ cồn trắng, trung lưu, dị tính (white-collar, middle-class, heterosexual) giống nhân vật chính của Tetsuo: The Iron Man là lực lượng lao động chính trong xã hội Nhật, là stereotype nam tính giữ vai trò thống trị. Trên hết, họ là biểu tượng đại diện cho “hệ thống tư bản công nghiệp phụ quyền được nhà nước bảo trợ” (state-sponsored patriarchal industrial-capitalist system). Quá trình phát triển kinh tế điên cuồng của nước Nhật đòi hỏi sự đồng bộ tuyệt đối, tước đi nhân dạng, nhân tính của người lao động, cho đến khi họ chỉ còn là những nô lệ phục vụ cho guồng máy chủ nghĩa tư bản.

Thế nên quá trình biến dạng của cả hai nhân vật có thể được xem là cách họ phản kháng trước những trật tự và khuôn mẫu xã hội đang thao túng con người. Khi cơ thể sinh học trở thành đối tượng bị chính phủ theo dõi, cậu học sinh cá biệt Tetsuo (Akira) phải liên tục chuyển hoá để thoát khỏi sự kiểm soát từ họ. Như Susan Napier đã chỉ ra: “Năng lực chuyển hoá tuyệt vời của Tetsuo và những đứa trẻ đột biến trong Akira cho thấy sự lật đổ mọi rào cản, đặc biệt là những rào cản giai tầng vẫn còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản đương đại” [2]. Nhân vật chính trong Tetsuo: The Iron Man thì trải qua một đợt khủng hoảng nhân dạng sau cuộc gặp gỡ với gã “metal fetishtist” (nhân vật này không có tên, do chính đạo diễn Shinya Tsukamoto thủ vai). Gã mang những đặc tính đối lập hoàn toàn với nhân vật chính: cổ cồn xanh, tầng lớp lao động, đồng tính (blue-collar, lower class, homosexual), do đó sự tồn tại của gã thách thức những chuẩn mực về đạo đức, giai cấp và tính dục đương thời. Cuối phim, cơ thể họ hợp nhất thành một cỗ máy khổng lồ với tham vọng “huỷ diệt thế giới”. Quá trình biến dạng xem như đã hoàn tất với ít nhiều sắc thái trào lộng, một mặt nó châm biếm hình tượng nhân viên công sở dưới tư cách một “role model” của xã hội Nhật, mặt khác nó giễu nhại những con quái vật như Godzilla nhan nhản trên truyền thông đại chúng. Và ở một tầng nghĩa khác, có thể xem Tetsuo: The Iron Man là bộ phim coming-out ẩn dưới lốt cyberpunk, do đó motif biến dạng chính là ẩn dụ cho việc nhân vật chính đi đến chấp nhận xu hướng tính dục thực sự của mình [3], được thể hiện một cách hình tượng qua cảnh hai người đàn ông khỏa thân sát nhập vào nhau trên nền nhạc lãng mạn ở cuối phim.

———-

Tham khảo:

[1] “Chủ nghĩa hậu hiện đại”, Trần Quang Thái

[2], [3] “Tokyo Cyberpunk: Posthumanism in Japanese Visual Culture”, Steven T. Brown

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started