[Phân tích phim] Về Đoạn kết phim “Gohatto” (1999) của Nagisa Oshima

Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Nagisa Oshima cho biết thiết kế trang phục của các thành viên lực lượng Shinsengumi trong phim “Gohatto” (Taboo) là một lựa chọn có chủ đích giữa ông với nhà thiết kế Wada Emi. Thay vì tuân theo đúng ghi chép lịch sử là trang phục mang màu trắng và xanh thì trong phim nó lại có màu đen và vàng điểm cạnh. Oshima không nói thẳng ra ý đồ của ông, nhưng không ít các cây bút và nhà nghiên cứu đã đồng thuận rằng lựa chọn trang phục cố tình đi sai lịch sử trên gợi sự liên tưởng với quân phục phát xít Đức; và Oshima đang cố tình tạo ra một phép so sánh giữa lực lượng được coi là để trị an cho kinh đô Kyoto cuối thời Edo, với đội quân của Hitle. Đây không phải là một suy diễn vô căn cứ; nó có gốc rễ trong không ít nhận định của các nhà sử học về thời kì này. Ngay cả trong phim, khi nhân vật chính được hỏi tại sao anh tham gia nhóm Shinsengumi, anh đã đáp lại rằng: “Để có quyền được giết người”. Vì những lý do trên, người viết tin rằng việc đặt đoạn kết của “Gohatto” trong mạch ý tưởng của Oshima về sự chỉ trích các thiên hướng phát xít trong lòng xã hội Nhật, cả quá khứ lẫn hiện tại, là cách tiếp cận thỏa đáng.

Trước hết, cần phải nói qua về đạo diễn Nagisa Oshima. Ông được coi như một trong những nhà làm phim tiêu biểu của Làn sóng Mới Nhật Bản. Sự nghiệp của ông gắn liền với các tác phẩm đầy tính thể nghiệm trong hình thức và “phá vỡ những điều cấm kị” trong nội dung. Trong thời kì đầu, phim ông tập trung mô tả sự phân rẽ các phong trào cánh tả cũng như nỗi tức giận với chính trị cánh hữu. Ông không ngần ngại động chạm đến tất cả các vấn đề từ án tử hình, quân đội, phân biệt chủng tộc, kiểm duyệt, dục vọng, vv. “Gohatto” (1999), bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp ông, đã được các nhà phê bình coi như sự tìm về với phong cách của Mizoguchi và Ozu, những đạo diễn mà ông không ít lần chỉ trích và chống lại, thay vì phong cách thể nghiệm thường thấy của ông. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về chàng trai trẻ Kano, người vừa mới được nhận vào lực lượng Shinsengumi trong đợt chiêu mộ mùa xuân năm 1865. Vẻ đẹp và sự trẻ trung của anh ta nhanh chóng khơi lên nhục cảm bị kìm nén lâu ngày của không ít gã đàn ông trong nhóm, bao gồm cả những người đứng đầu. Kỉ luật vốn nghiêm khắc của Shinsengumi bị xáo trộn dưới những mâu thuẫn ngày càng căng thẳng và khốc liệt của những thành viên tìm cách lấy được sự chú ý của Kano.

Môi trường lực lượng cảnh sát Shinsengumi được khắc họa trong phim mang nặng tính khuôn phép áp chế và tuân theo hệ thống phân thứ bậc ngặt nghèo: các nội quy của Shinsengumi (hay còn gọi là Pháp độ trong Cục) liên tục được Oshima đặt trong các cảnh quay nền đen. Mọi vi phạm Pháp độ đều dẫn đến hình phạt xử trảm. Mọi hành vi của các thành viên trong nhóm luôn được đặt trong sự soi mói và kiểm soát của những người đứng đầu. Khi Kano cùng gia nhập vào lực lượng với Tashiro, mối quan hệ của hai người đã được người đứng đầu (Hijikata) “kiểm chứng” xem có phải là tình nhân không thông qua trận đấu kiếm tập. Hijikata nhận thấy năng lực của Tashiro kém hơn Kano hẳn một bậc khi trực tiếp chính ông đấu với từng người, nhưng khi Tashiro đấu với Kano thì Kano thua, điều đó khiến ông suy diễn hai người đang trong mối quan hệ (với hàm ý thô thiển rằng Kano ở thế “bị động”). Như vậy, mọi mối quan hệ trong Shinsengumi đều luôn nằm trong trạng thái cạnh tranh và bạo lực, với những trận đấu kiếm trở thành phúng dụ cho tình dục.

Dục vọng cá nhân liên tục trở thành đề tài của những tin đồn, lời đưa tiếng lại việc ai là người tình của Kano đã đặt môi trường Shinsengumi trong trạng thái bức bối khôn cùng. Khi mâu thuẫn các thành viên tìm cách tiếp cận Kano đẩy đến đỉnh điểm, đe dọa đến trật tự và hệ thống phân cấp trong Shinsengumi, những người đứng đầu tìm mọi cách ép Kano quan hệ với phụ nữ. Với việc các vụ án mạng tiếp tục xảy ra và hung thủ tình nghi là Tashiro (Hijikata tin rằng Tashiro ra tay với những đối tượng khác vì ghen tuông), bộ phim kết thúc bằng màn đấu kiếm giữa Tashiro và Kano (dưới lệnh của người đứng đầu bắt Kano phải tự tay giết chết tình nhân của mình) và việc Hijikata dùng kiếm chém ngang cây anh đào. Cây anh đào, tượng trưng cho Kano với vẻ đẹp hút hồn, khi bị chém cũng đồng nghĩa với cái chết của Kano. Tuy nhiên, cái chết cay nghiệt này không mở ra một viễn cảnh sáng sủa hơn, vì nó dự báo cho sự suy vong của Shinsengumi sau đó không lâu. Và nếu coi cây anh đào như biểu tượng của quá khứ Nhật Bản bao trọn trong nó hình ảnh Samurai, thì hình ảnh cây sụp dưới nhát chém cũng báo hiệu một thời khắc chuyển giao trước khi bước sang thời kì Duy tân Minh Trị. Và thực tế, đó vẫn là một cái kết tăm tối, vì dưới con mắt của Oshima (theo nhận định của nhà nghiên cứu Daisuke Miyao), ông luôn trăn trở với “chế độ phụ hệ phong kiến cách tân dưới cải cách Minh Trị đã dẫn đến thảm kịch thế chiến thứ hai, với sự áp bức phụ nữ và các nhóm thiểu số, và sự vô đạo đức của thế hệ Minh Trị trước sự nô dịch của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chế độ phát xít trong thế chiến”.

Cái chết của Tashiro và Kano, có thể nhìn thấy ít nhất, là biểu hiện cay đắng của những cá nhân sống trong một môi trường không dung túng cho bất kì sự khác biệt nào ngoài khuôn mẫu tính nam. Nhưng nhìn rộng ra, cái chết đó là kết quả của sự đổ vỡ bên trong cấu trúc quyền lực phát xít do các mối quan hệ và dục vọng cá nhân, và xuất phát từ nỗ lực kiểm soát thô bạo của những kẻ đứng đầu sao cho các khía cạnh cá nhân ấy luôn được khum trọn trong bốn bức tường. Biểu hiện rõ nhất cho sự thách thức những trật tự hà khắc thể hiện ngay từ những chi tiết đầu phim khi Tashiro mỉa mai Pháp độ trong Cục và sẵn sàng phá luật để chứng kiến Kano thực hiện nghi lễ xử trảm; và cái chết của Tashiro trong Shinsengumi là tất yếu. Hơn nữa, có thể đặt “Gohatto” cùng với “Cruising” (1980) của William Friedkin trong việc cả hai phim đều tường thuật lại sự tha hóa của tính queer (1) trong môi trường phát xít (“Cruising” đặt nhân vật chính trong môi trường cảnh sát). Cảm xúc đồng giới trở thành một thứ nọc độc, là nguồn gốc sản sinh ra bạo lực và chết chóc. Với “Cruising”, sự tha hóa diễn ra từ sự tự hận thù bản thân, với “Gohatto”, động cơ của Kano trở nên mập mờ hơn, nhưng có thể được tóm gọn trong lời độc thoại cuối cùng của Hijikata: “Kano, y quá đẹp. Khi y bị chèn ép và bắt nạt bởi những gã đàn ông khác, cái ác bắt đầu cư ngụ lại trong hắn” (trong cấu trúc phân chia thứ bậc đặc thù của Shinsengumi, phim khá ngầm ẩn việc Kano bị ít nhất một kẻ ở thứ bậc trên cưỡng bức quan hệ).

Cái kết của “Gohatto” có thể coi không chỉ là một diễn giải khéo léo về một hiện tượng lịch sử, mà nó còn mở ra không ít ám chỉ phê phán hiện tại. Oshima đã từng nói rõ với Max Tessier trong cuộc phỏng vấn rằng ông không “làm Gohatto như phim lịch sử” và từ chối việc phân chia thể loại phim. Điều đó cho thấy Oshima lựa chọn bối cảnh Shinsengumi vì đơn giản nó có các yếu tố riêng biệt để hỗ trợ ông truyền tải hệ tư tưởng của mình. Với việc được coi như một nhà phê bình sắc sảo của các vấn đề rất Nhật, không lạ nếu như trong “Gohatto”, Oshima sử dụng trọng tâm một câu chuyện hư cấu thời xưa như một ẩn dụ đầy lớp lang để giải phẫu xu hướng xã hội Nhật kiềm tỏa những nhu cầu cá nhân vì mục đích “chung”. Quan hệ đồng tính vốn không phải là điều cấm kị trong xã hội Nhật xưa, thậm chí nó là một tập tục điển hình giữa các samurai (còn gọi là “Shudo”). Quan hệ ấy chỉ trở thành một thứ nguy hiểm trong con mắt những kẻ cầm quyền khi nó bắt đầu đe dọa trật tự áp chế do chúng đặt ra. Sự hủy hoại và kiểm soát tình cảm đồng giới trong “Gohatto” là biểu hiện rõ nhất cho chủ nghĩa quốc gia đồng tính (homonationalism) (2), một hiện tượng điển hình trong không ít môi trường chính trị ngày nay. Tinh thần chỉ trích của “Gohatto” nằm trong mạch tinh thần chung của đạo diễn Nagisa Oshima, một vị đạo diễn coi kiểm duyệt là thứ “làm vấy bẩn phim ông”, cho rằng “cảnh sát và công tố viên ghét ông vì đã làm phim đi ngoài biên giới biểu đạt tính dục của Nhật Bản”, một nhà làm phim luôn không ngừng tìm cách phản kháng lại sự khống chế của nhà nước với các tác phẩm điện ảnh, kể từ bộ phim đầu tiên làm nên tên tuổi ông, “In the Realm of the Senses” (1976).

—————————————–
Chú thích:

(1) Tính queer (queerness): Queer bao gồm tất cả những ai không phải là người dị tính hoặc nằm ngoài phổ nhị nguyên giới tính đơn thuần chỉ có nam/nữ như xã hội định ra. Tính queer là biểu hiện danh tính chính trị nằm ngoài định chuẩn hóa dị tính của những đối tượng này.

(2) Chủ nghĩa quốc gia đồng tính (homonationalism): Một thuật ngữ được đề xuất bởi nhà nghiên cứu Jasbir K.Puar. Nó thể hiện mối quan hệ móc ngoặc giữa hệ tư tưởng của một quốc gia với các yếu tố chính trị của cộng đồng LGBTQ+, thường sử dụng vấn đề về quyền của họ như một vũ khí chính trị phục vụ mục đích quốc gia. Một ví dụ điển hình là lập luận bên cánh hữu ở Mỹ thường sử dụng định kiến rằng một số quốc gia Đạo Hồi có cách đối xử tàn bạo với người đồng tính, để tấn công miệt thị những người nhập cư Đạo Hồi, bất chấp sự phân biệt đối xử và bạo lực với người thuộc cồng đồng LGBTQ+ vẫn đầy rẫy ở các nước phương Tây.

(*) Môi trường phát xít, cụm từ được người viết sử dụng thường xuyên trong bài, có thể nói được biểu hiện bởi hệ tư tưởng phát xít với những đặc trưng như sử dụng sức mạnh độc tài, cưỡng chế, sẵn sàng đàn áp các lực lượng đối lập, mang tính chất quân phiệt, chống lại dân chủ tự do và bình đẳng chủng tộc. Chủ nghĩa phát xít nhấn mạnh các yếu tố như chủ nghĩa dân tộc, hệ thống thứ bậc (hierarchy), quân đội, sự nam tính, vv…

Tham khảo nguồn:
Hollywood Zen: A Historical Analysis of Oshima Nagisa’s Unfinished Film – Daisuke Miyao https://journals.openedition.org/map/2385#tocfrom1n1
Navigating a Continuum of Hegemonic Masculinity in Oshima Nagisa’s Gohatto – John Francis https://johntfrancis.files.wordpress.com/2012/05/homonationalism-homosocialism-hegemonic-masculinity.pdf
Japanese Film Reviews #13: Oshima Nagisa’s GOHATTO https://constantineintokyo.wordpress.com/2010/01/15/japanese-film-reviews-13-oshima-nagisas-gohatto/

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started